Tìm mua Galaxy Note10 trên mạng, anh Huy Quốc (Vĩnh Phúc) vô tình vào một website có địa chỉ "samsungvietnam.online". Website này có giao diện khá giống với trang web của Samsung mà anh từng vào trước đây, lại xuất hiện trên top đầu của trang tìm kiếm, nên anh không chút nghi ngờ. Trên đó, mẫu máy Galaxy Note10 anh định mua có giá 4,5 triệu đồng, rẻ bằng 1/4 giá niêm yết của hãng nên anh quyết định đặt mua. Khi gửi link website cho người bạn để rủ mua cùng, anh Quốc được bạn cảnh báo lừa đảo nên mới giật mình. May thay, anh chưa bấm lệnh mua.
Mẫu máy được giới thiệu là Galaxy Note10+ bản trải nghiệm, có giá bán 4,5 triệu đồng.
Trên website này, mẫu Galaxy Note10+ được rao bán là "phiên bản trải nghiệm", có mức giá ban đầu 9 triệu đồng, nhưng khuyến mãi còn 4,5 triệu đồng. Trong bài viết giới thiệu, sản phẩm cũng được liệt kê đầy đủ các tính năng như trên website của Samsung Việt Nam nhưng thông tin không đồng nhất - tên máy là Galaxy Note10+ nhưng thông số kỹ thuật thì lại là của Note10. Sau khi chọn máy, người mua chỉ cần điền thông tin họ tên, số điện thoại. Nhân viên tư vấn sẽ gọi điện để "chốt đơn" và người mua sẽ trả tiền khi nhận máy.
Các sản phẩm trong danh sách có mức giá khá rẻ, chỉ từ 2,2 đến 4,5 triệu đồng, và website được thiết kế khá giống với giao diện website của Samsung, đặc biệt là tên miền "samsungvietnam" khiến nhiều người lầm tưởng và tin rằng đây là trang web của hãng Samsung. Trên web cũng đủ các thành phần giống website thật như Tin tức, Thông tin liên hệ, Chính sách bảo hành... nhưng bấm vào không ra nội dung. Thậm chí trang này còn lấy lại hình ảnh quảng cáo các chương trình khuyến mãi của hãng, sau đó chỉnh sửa lại thông tin để đăng tải, khiến nhiều người lầm tưởng đây là website thật. Những người tinh tường thì sẽ thấy giao diện và font chữ trông "dại", không sắc nét, nhưng những người dùng thông thường thì không nhận ra.
Theo thông tin từ trang
Whois
, tên miền này được đăng ký từ đầu tháng 6/2019. Dù mới đi vào hoạt động, website này đã có một lượng truy cập khá lớn. Dữ liệu thống kê từ
Similarweb
cho thấy, đã có khoảng 130.000 lượt truy cập trong tháng 7. Đơn hàng mới nhất được đánh số thứ tự hơn 6.000.
Khi tìm kiếm với các từ khóa liên quan đến điện thoại Samsung trên Google, website này có thứ hạng tìm kiếm khá cao, đứng ngang hàng với website chính hãng, thậm chí còn thu hút hơn vì mức giá thấp.
Lời quảng cáo trên trang tìm kiếm khiến nhiều người dễ bị hấp dẫn và lầm tưởng đây là website chính hãng.
Theo một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện thoại, đây là chiêu lừa mạo danh thương hiệu lớn để bán điện thoại rởm. Chiêu trò này không phải là mới, nhưng do đánh trúng tâm lý thích mua hàng giá hời nên vẫn khiến không ít người mắc lừa. Sản phẩm mà các đơn vị này giao cho khách thường là máy nhái, có chất lượng kém, thậm chí không thể sử dụng được.
Trên một diễn đàn công nghệ, thành viên có tên Đức Sang cho biết từng đặt mua một chiếc Galaxy S10+ với giá 3,9 triệu đồng tại trang web nói trên. Tuy nhiên, khi nhận máy, nhân viên giao hàng yêu cầu phải thanh toán trước khi nhận máy và kiểm tra nên anh đã từ chối.
Đại diện Samsung Việt Nam khẳng định những trang web với nội dung "xả kho", "bán máy thử nghiệm"... như trên là giả mạo. Hãng cũng đang làm việc với đội ngũ pháp chế để rà soát lại một loạt những website mạo danh tương tự để gửi thư cảnh báo và đưa ra hướng xử lý tới người tiêu dùng.
Lưu Quý
Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019
Galaxy Note10+ giá hơn 4 triệu trên website giả Samsung Việt Nam
20:04